Giao thời, khu Mả Lạng được biết đến như vùng “đất dữ”, các tay anh chị, du đãng tìm về trú ngụ trong những con hẻm nhỏ.
Hẻm của những tay anh chị
Ông Trương Chấn Trung (69 tuổi, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP.HCM) kể, từ trước năm 1975, khu Mả Lạng đã nổi danh là “đất dữ”, quy tụ các tay anh chị, du đãng về cư ngụ.
Địa hình của khu Mả Lạng rất lắt léo với ma trận hẻm lớn nhỏ đan xen. Người đến sinh sống và rời đi liên tục khiến chính quyền khó quản lý. Đó là điều khiến những tay anh chị, du đãng chọn nơi đây để ẩn mình.
Lớp trẻ mới lớn có bố mẹ mải miết mưu sinh, thiếu người quan tâm dễ thành tay chân, lăn xả làm việc cho đàn anh đàn chị.
“Các tay anh chị thời đó rất biết cách cư xử và dùng người. Họ sẵn sàng chi tiền lo cơm áo, cà phê, thuốc lá cho đàn em. Nể trọng cách sống của họ, nhiều lớp du đãng chấp nhận xả thân trong giới giang hồ”, ông Trung chia sẻ.
Có bố mẹ nghiêm khắc, ông Trung không dám tụ tập, chăm chỉ học hành. Nếu không, có lẽ ông đã vướng vào tệ nạn xã hội.
Theo lời ông Trung, trước năm 1975, khu Mả Lạng có hai cái tên đáng chú ý trong giới giang hồ là Năm Ma-rốc và Ba Lu-y.
Trong đó, Năm Ma-rốc có mẹ người Việt, bố là người da màu đi lính cho Pháp. Người này có ngoại hình cao to, da đen, vẻ ngoài hung tợn.
Người còn lại là Ba Lu-y, có tật ở chân, xét về thực chiến thì thua xa các tay anh chị lúc đó. Tuy nhiên, cách cư xử “giang hồ mã thượng” của Ba Lu-y thu phục nhân tâm, dưới trướng có nhiều đàn em lăn xả.
Cả hai đều cư ngụ tại hẻm 168 Nguyễn Cư Trinh nhưng không giao thiệp hoặc hơn thua, tranh chấp. Mỗi băng nhóm có lãnh địa rõ ràng, chủ yếu bảo kê các quán bar, rạp hát.
Nếu như Năm Ma-rốc cát cứ ở rạp Khải Hoàn, Thanh Bình… thì Ba Lu-y cùng đàn em bảo kê cho hàng loạt quán bar ở phố Nguyễn Cư Trinh.
Theo ông Trung, Năm Ma-rốc và Ba Lu-y hét ra lửa ở bên ngoài nhưng khi về hẻm, họ sống rất chan hòa.
“Giang hồ Mả Lạng dữ ở đâu, chứ về hẻm gặp ai cũng cúi đầu chào”, ông Trung khẳng định.
Sau năm 1975, Năm Ma-rốc bị bắt do “thành tích cũ”. Trong khi đó, Ba Lu-y bỏ trốn về vùng kinh tế mới. Từ đó, mọi người không còn gặp hoặc biết tung tích của họ nữa.
Mời hàng xóm ăn cơm, ngủ lại nhà
Trong trí nhớ của ông Trung, cư dân xóm hẻm Mả Lạng sống nặng nghĩa tình.
“Đất Sài Gòn xưa cũng như nay, lúc nào cũng dễ sống”, ông Trung tâm đắc.
Thời đó, nhà nào càng nằm sâu trong hẻm thì đồng nghĩa gia cảnh càng túng quẫn. Những người lạ từ bốn phương về đây tá túc lại hóa thân quen. Lối xóm mở cửa nhà là thấy mặt nhau, không muốn thân cũng khó.
Nhà nào có việc cần nhờ cậy, chỉ gọi một tiếng, bà con từ đầu đến cuối hẻm đều chung tay hỗ trợ. Dần dà, nghĩa cử giúp đỡ lẫn nhau thành một thói quen, tình người ngày thêm bền chặt.
Ông Trung chia sẻ: “Người sống trong hẻm tuy nghèo nhưng giữ được tình làng nghĩa xóm, đoàn kết. Sống ở đô thị hoa lệ mà đối đãi với nhau thân tình như ở thôn quê”.
Ngoài ông Trung, người dân ngụ ở các hẻm khác trong khu Mả Lạng đều tự hào khi nói về tình làng nghĩa xóm.
“Bà con khu Mả Lạng sống rất đoàn kết, chia sẻ với nhau từng chén cơm, tô canh. Hàng xóm đến nhà gặp bữa thì tự nhiên ngồi vào cùng ăn cơm. Người thân ở quê lên chơi, nhà nào cũng giữ khách ở tận mấy tháng, không cho về”. Bà Nguyễn Hương Lan ngụ hẻm 245 Nguyễn Trãi, chia sẻ.
Bà Lan nhớ, hồi nhỏ, bạn bè chung xóm thường sang nhà nhau ngủ ké. Cả bọn cứ thích ôm nhau ngủ giữa nhà cho vui.
Nhà nào có chuyện vui hay buồn thì cả xóm đều biết và đến hỗ trợ.
Nhờ hẻm 168 Nguyễn Cư Trinh, ông Trung có một tình bạn đẹp, kéo dài hơn 50 năm. Người bạn ấy chơi cùng ông từ nhỏ đến lớn. Nhà cách nhau chỉ vài căn, bao nhiêu năm chưa ai rời đi nơi khác.
Hàng ngày, người bạn này đều ghé qua nhà thăm ông Trung khoảng 15-20 phút vào buổi trưa. Lắm lúc, cả hai chẳng còn chuyện để nói, chỉ ngồi cạnh nhau, nhìn ra hẻm.
Họ đã đến cái tuổi “mỗi ngày chỉ cần chạm nhau một chút, nhắc lại vài kỷ niệm thời tuổi nhỏ” cũng thấy vui.
Nắng trưa len qua từng nếp nhà san sát, tưới tắm không gian chật chội của con hẻm. Ông Trung tần ngần nhìn sang nhà đối diện: “Ai thay đổi chứ tôi thì bản chất vẫn vậy, trọng tình làng nghĩa xóm”.
Bởi vậy, bao năm “xẻ” nhà cho thuê, ông Trung chỉ lấy giá bình dân. Nhiều lớp sinh viên ở trọ đều được ông lo chu đáo từ gói mì, ly nước miễn phí.
Nhớ ơn ông Trung, vài người học hành thành tài, công việc ổn định tìm về hẻm nhỏ thăm người ơn. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ để ông Trung nguyện sinh ra và chết đi ở con hẻm đầu tiên của khu Mả Lạng.
Ngọc Lài / vietnamnet.vn
Kỳ 1: Chuyện ở khu đất dữ Sài Gòn xưa: Người đẹp vào quán bar, nhóm trai chờ đầu hẻm