Trước đây, khu Mả Lạng chỉ có một con hẻm thông từ nghĩa trang Cầu Kho ra đường lớn Nguyễn Cư Trinh. Những cô gái đẹp có nhà phía trong phải đi qua con hẻm này để ra ngoài.
Khu đất dữ xưa
Khu Mả Lạng rộng 6,8ha, nằm trong giới hạn của 4 tuyến đường: Nguyễn Trãi, Cống Quỳnh, Nguyễn Cư Trinh, Trần Đình Xu, thuộc phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM.
Ông Trương Chấn Trung (69 tuổi) ngụ hẻm 168 Nguyễn Cư Trinh cho biết, trước đây, khu Mả Lạng từng có nhà nguyện (nhà thờ) Công giáo trong khu nghĩa trang Cầu Kho. Lúc đó, người dân Sài thành thường gọi khu này là đất Thánh Cầu Kho hoặc nhà thờ Cầu Kho.
Từ kiến trúc của những ngôi mộ cổ, cư dân Mả Lạng đoán nghĩa trang hình thành hơn 100 năm trước. Đến những năm 1960, người dân tứ xứ, chủ yếu từ tỉnh Bến Tre, Bình Dương… về xin tạm trú trên đất nghĩa trang Cầu Kho.
“Lúc đầu, khu vực nghĩa trang Cầu Kho thuộc quản lý của nhà thờ Cầu Kho (Giáo xứ Cầu Kho). Do giáo dân ngày một nhiều, họ cho xây dựng thêm nhà nguyện gần nghĩa trang để người già tiện đi lễ.
Một số giáo dân từ các tỉnh về xin tạm trú, xây dựng nhà tạm trên phần đất xung quanh nhà nguyện. Về sau, người dân kéo về quá nhiều. Họ tự ý cất chòi cạnh các ngôi mộ, thậm chí san bằng phần mộ để cất nhà.
Hành động tự phát của họ tạo ra những khu nhà lộn xộn trong khuôn viên nghĩa trang. Vì vậy, nhiều người gọi khu vực cuối hẻm là Mả Lạng, còn phía đầu hẻm là đất Thánh Cầu Kho”, ông Trung cho biết.
Theo ông Trung, sau năm 1975, nhà nguyện xuống cấp nên chính quyền quản lý đất nghĩa trang. Từ đó, cái tên đất Thánh Cầu Kho được thay bằng Mả Lạng cho đến nay.
Hiện tại, nội khu Mả Lạng bị xé nhỏ bởi “ma trận” của những con hẻm. Đời sống trong hẻm không còn trầm lắng mà nhộn nhịp kẻ bán người mua.
Buổi sáng, cư dân đổ ra các điểm giao nhau hoặc đầu hẻm uống cà phê, đi chợ, ăn sáng…
Thế nhưng, sâu bên trong các con hẻm, đời sống có phần đìu hiu, yên ắng. Đặc biệt, những ngôi nhà càng vào cuối hẻm càng nhỏ hẹp, thậm chí siêu nhỏ.
Con hẻm 168 Nguyễn Cư Trinh, nơi ông Trung sinh sống suốt 69 năm qua. Chính là con hẻm “độc đạo” của khu nghĩa trang Cầu Kho năm cũ.
Ông Trung kể, bố mẹ ông gốc Lái Thiêu (Bình Dương), về Sài Gòn vào đầu những năm 1950. Họ xin tá túc trên đất nhà nguyện Cầu Kho.
“Lúc đó, ngoài hẻm 168 Nguyễn Cư Trinh, cư dân ở đây còn có một con đường tắt đi ra đường Cống Quỳnh. Tuy nhiên, con hẻm đó nhỏ, cầu ván, chỉ có mấy chị em qua chợ, muốn đi gần mới vòng qua đó”, ông Trung nhớ lại.
Mơ bóng giai nhân
Thuở nhỏ, ông Trung có cuộc sống êm đềm bên người thân, xóm làng trong hẻm 168 Nguyễn Cư Trinh. Bà con ở đây chủ yếu làm thuê làm mướn, kinh tế chật vật nhưng sống rất chan hòa.
Lúc đó. Người lớn lo kiếm tiền nuôi con, trẻ con chờ bố mẹ đi vắng là chạy ra hẻm chơi với bạn bè.
“Ngày xưa làm gì có điện thoại, tivi, Internet. Trẻ con chỉ biết mấy trò bắn bi, đá gà, ca hát…
Hồi đó, đèn điện mờ lắm nên 20-21h là mọi người đi ngủ hết. Chúng tôi chờ hôm nào có trăng mới lẻn ra cuối hẻm, chỗ có mấy ngôi mộ to đẹp, đàn hát thâu đêm.
Có hôm trời nóng quá, cả bọn rủ nhau leo lên mả nằm cho mát, chẳng đứa nào thấy sợ”, ông Trung kể.
Thời đó, con gái sống trong hẻm 168 Nguyễn Cư Trinh nổi tiếng xinh đẹp. Có cô lớn lên ở Mả Lạng, số khác từ các nơi đổ về thuê trọ.
Mặt tiền đường Nguyễn Cư Trinh thời điểm đó có rất nhiều quán bar phục vụ giới thượng lưu, binh lính chế độ cũ. Vì vậy, các cô gái không có học vấn nhưng có chút nhan sắc đều vào quán bar làm việc.
Ông Trung nhẩm tính, có khoảng 40% con gái ở hẻm 168 làm nhân viên trong quán bar. Họ tiếp rượu, kiếm tiền boa, chứ không có hoạt động nào khác.
Trong số các cô gái đẹp lúc đó, ông Trung nhớ có 2 cô được mệnh danh là hoa khôi của hẻm. Hai cô này là chị em ruột, có gia cảnh rất khó khăn. Họ sống cùng người bố lai Tây ở cuối hẻm.
Sinh ra trong cảnh nghèo. Cả hai sớm bước vào nghề tiếp rượu ở quán bar từ năm 16 – 17 tuổi. Nhờ nét lai Tây, hai cô đều có ngoại hình cao ráo, mũi cao, da trắng hồng. Họ làm ở quán bar nào thì quán đó đều đông khách.
Mỗi chiều, cả hai trang điểm đậm, ăn mặc lộng lẫy đi bộ ra quán bar ở mặt tiền đường Nguyễn Cư Trinh làm việc. Biết khung giờ họ đi ngang, trai tráng đều thập thò đầu hẻm chờ giai nhân.
Ông Trung cười ngại ngùng: “Lúc đó, bọn con trai mới lớn mê 2 cô hoa khôi của hẻm dữ lắm. Tôi mới 14-15 tuổi cũng bắt đầu mơ mộng, đêm về thao thức. Hôm nào các cô nhìn mình cười một cái thì xác định tối về khỏi ngủ”.
Người đẹp vào quán bar làm việc, gặp gỡ toàn người giàu, người có chức quyền. Thế nên, cánh đàn ông ở hẻm không bao giờ được giai nhân để mắt.
Dù vậy, cuộc đời của hai người đẹp xóm Mả Lạng cũng lắm truân chuyên. Trong khi cô chị làm vợ bé của một thiếu úy cảnh sát. Cô em lại gặp sự phản đối gay gắt từ gia đình bạn trai.
Người yêu của cô là con trai một chủ tiệm vàng ở chợ An Đông. Gia đình của người này không chấp nhận con dâu làm trong quán bar. Về sau, họ cũng đến được với nhau nhưng lại sống trong cảnh đời khốn khó.
Bẵng đi hơn 50 năm, người xưa cảnh cũ ở Mả Lạng đều thay đổi. Ông Trung không còn biết tung tích của những người đẹp năm xưa. Chuyện Mả Lạng một thời mang danh đất dữ vẫn không thể phai nhòa.
Ngọc Lài/vietnamnet.vn