Người Sài Gòn không gọi phố. Ở Sài Gòn cũng không có phố, chỉ có đường và xa lộ (là mấy tuyến đường lớn, đi xa, kiểu như Xa lộ Đại Hàn, Xa lộ Hà Nội). Rồi bây giờ là “Phố vải Soái Kình Lâm”
2 bữa nay, nhiều anh chị em than phiền cái bảng “Phố vải Soái Kình Lâm”. Than phiền là đúng, vì lâu nay cái chỗ đó đã và vẫn luôn được người Sài Gòn gọi là “Chợ vải Soái Kình Lâm”, trong tương quan với Chợ thuốc lá Học Lạc, Chợ phụ tùng xe Tân Thành, Chợ phụ kiện may Đại Quang Minh, Chợ thuốc Hải Thượng Lãng Ông… trong nguyên cái cụm Chợ Lớn (tức là cái chợ Bình Tây á).
Người Sài Gòn không gọi phố. Ở Sài Gòn cũng không có phố, chỉ có đường và xa lộ (là mấy tuyến đường lớn, đi xa. Kiểu như Xa lộ Đại Hàn, Xa lộ Hà Nội).
Nếu ở Hà Nội người ta gọi theo cặp “phố” và “ngõ” (Như trong bài hát “Hà Nội và tôi” có câu “Ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi ở đó/ Đêm lặng nghe trong gió tiếng sông Hồng thở than”) thì ở Huế là “đường” và “kiệt”. Sài Gòn là “đường” và “hẻm”. Đó gọi là sự đa dạng trong thống nhất, là bản sắc. Cho thấy được nét đặc trưng riêng biệt của đất và người.
Cái rồi đùng một cái giữa Sài Gòn mọc ra cái “Phố đi bộ Nguyễn Huệ”, rồi “Phố đi bộ Bùi Viện” là những thứ hết sức xa lạ với người Sài Gòn. Rồi bây giờ là “Phố vải Soái Kình Lâm”.
Ngôn ngữ ấy mà, nó chỉ đơn giản là một hệ thống tín hiệu để truyền đạt thông điệp và tư duy. Chẳng hạn như ngày đó, khi còn ở trường đại học (ý là khoe hồi xưa tui có đi học nha), trong giờ học tiếng Tàu, có bạn cắc cớ hỏi thầy chứ “Sao ‘dzùe nạn’ là ‘Việt Nam’ mà không phải là chữ khác?”. Thầy tui lại cốc đầu bạn một phát, kêu: “Qua bên Tàu mà hỏi”. Thế nên tại sao lại là “phố” mà không phải “đường”, sao là “hẻm” mà không phải “kiệt” là câu hỏi không thể trả lời được trong Ngôn ngữ học, nhưng chắc chắn những từ ngữ đó được cộng đồng ấy hiểu và ngôn ngữ chính xác là để những người khác nhau hiểu được nhau. Chứ nói mà không hiểu nhau thì nói làm gì.
Khi trương cái bản “phố vải” lên khu chợ Soái Kình Lâm, cái người viết ra nó, cái người duyệt nó chắc chắn đã không hề tôn trọng văn hóa bản địa và động tác ấy, sau nhiều năm nữa, sẽ triệt tiêu sự đa dạng văn hóa, bản sắc văn hóa. Thứ mà ngày nay thế giới đang chú trọng giữ gìn và đánh giá cao. Nhiều năm nữa, các thế hệ tiếp theo ở Sài Gòn sẽ không còn biết, không còn nhớ cái “chợ vải”, những con “đường”, con “hẻm” nữa.
Kể nhanh một chuyện. Nhỏ cháu gã, ôn tập môn sinh học, đọc vanh vách: “Muốn phòng chống bệnh sốt xuất huyết, phải diệt muỗi, diệt bọ gậy…”. Nghe ngứa tai, gã hỏi: “Bọ gậy là con gì?”. “Dạ, con không biết” – cháu đáp. “Con muỗi đẻ ra con gì?” – gã hỏi. “Dạ, con loăng quăng” – cháu trả lời. Một đứa trẻ ở Sài Gòn, biết con loăng quăng, không biết con bọ gậy. Nhưng phải học “diệt bọ gậy” thì nó làm sao diệt cái con nó không hề biết?
Cũng như một dạo, người ta đặt bảng “vòng xuyến” ở mấy cái bùng binh khắp Sài Gòn. Báo chí cũng rần rần đó, cộng đồng mạng cũng um sùm đó, nhưng họ không có nhận sai. Nhất định không trả chữ “bùng binh”. Cụm từ quen thuộc mà người Sài Gòn hiểu là cái vòng xoay – nơi giao nhau giữa nhiều con đường. Họ đặt bảng khác, gọi đó là “nút giao”. Thế cũng xem là nhượng bộ dữ lắm rồi.
Cho nên, rồi thì những con “phố” sẽ xuất hiện khắp Sài Gòn. Những con “đường”, cái “chợ vải” sẽ dần đi vào quá vãng. Nét đa dạng văn hóa, ngôn ngữ sẽ biến mất mà mai này có muốn phục hồi cũng khó.
Lại kể nhanh một chuyện khác. Phóng viên của gã có một bạn quê miền Tây, một bạn quê Tây Nguyên. Cái gã ở miền Tây, nói thì kêu là “ngàn” (đơn vị tính), nhưng viết lại là “nghìn”. Cô nàng Tây Nguyên vẫn kêu cái “muỗng”, nhưng viết lại là cái “thìa”. Kiểu vậy. Gã sửa miết sửa miết mà đâu vẫn hoàn đấy.
Một ngày, gã… bỏ cuộc – sửa vẫn sửa, nhưng không nhắc nữa. Gã tự nhủ: Rồi một ngày, khi đám biên tập viên “già nua” bọn gã đi về miền mây trắng, ngôn ngữ sẽ quy về một mối. Biết đâu lúc đó tụi nhỏ sẽ kêu “con rơi” thay vì “con dơi” như thuở nào trong bộ sách giáo khoa gì đó. À mà lúc đó gã Thành Nhân chết ngắc rồi, quan tâm chi nữa. Có muốn quan tâm cũng chẳng được. Mặc xác chúng đi!
Facebook Phạm Thành Nhân